Lịch sử thời xưa Phổ_(quốc_gia)

Bản đồ sắc tộc của Phổ trong suốt thời Trung cổ

Vào năm 1226 Công tước Konrad I của Masovia mời các Hiệp sĩ Teuton, một dòng tu chiến binh Đức, đại bản doanh đặt tại thành phố Acre ở Vương quốc Jerusalem, chinh phạt các bộ lạc Phổ trên vùng biên giới lãnh thổ của ông. Sau sáu mươi năm chiến tranh với người Phổ, họ đã dựng nên một quốc gia độc lập mà về sau nắm luôn quyền điều khiển Phổ. Sau khi dòng Hiệp sĩ Thanh gươm của Livonia gia nhập dòng Hiệp sĩ Teuton năm 1237, họ kiểm soát luôn vùng Livonia, bây giờ là Estonia, Latvia và tây Litva.

Các Hiệp sĩ này chỉ chịu ở dưới quyền Giáo hoàng Rôma và Hoàng đế Đức. Ban đầu, họ liên hệ mật thiết với Hoàng gia Ba Lan, nhưng về sau, mối quan hệ này bị đổ vỡ khi họ đánh chiếm các vùng đất mà Ba Lan tuyên bố sở hữu là Pomerelia và Danzig (Gdańsk), một thành phố với cư dân chủ yếu là người Đức. Dòng tu Hiệp sĩ Teuton cuối cùng bị đánh bại trong trận chiến Grunwald năm 1410 bởi Liên minh Ba Lan và Litva, thành lập thông qua Hiệp ước liên minh Krewo.

Trong cuộc "chiến tranh Mười ba năm" (1454-1466), Liên minh Phổ, bao gồm các thành phố đồng minh Hasen ở tây Phổ nổi dậy chống lại dòng Hiệp sĩ Teuton và cầu viện vua Ba Lan. Các Hiệp sĩ Teuton buộc phải chấp nhận thần phục vua Kazimierz IV Jagiellonczyk theo Hòa ước Thorn, đồng thời mất đi vùng tây Phổ cho Ba Lan.

Albert yết kiến và nhận Đại Công quốc Phổ làm đất phong từ vua Zygmunt I của Ba Lan

Năm 1525, Đại Trưởng lão Albert Brandenburg-Ansbach, thuộc một chi nhánh của nhà Hohenzollern, cải theo đạo Tin lành dòng Lutheran và nhập các lãnh địa còn lại của dòng tu vào Công quốc Phổ. Đây là khu vực nằm phía đông cửa sông Vistula, về sau được gọi là lãnh thổ Phổ "gốc". Lần đầu tiên, các lãnh địa này rơi vào tay một chi nhánh của nhà Hohenzollern, chủ nhân lãnh địa Brandenburg về phía tây với trung tâm là Berlin và đã nằm dưới sự cai trị của nhà Hohenzollern từ thế kỷ 15. Hơn thế nữa, khi từ bỏ dòng tu, Albert có thể lập gia đình và có con.

Bá tước Friedrich Wilhelm của Brandenburg, "Đại Tuyển hầu"

Phổ và Brandenburg được thống nhất hai thế hệ sau đó. Anna, cháu nội của Albert và là con gái của Công tước Albrecht Friedrich (tại vị 1568-1618), thành hôn với người anh họ là Tuyển hầu Johann Sigismund của xứ Brandenburg.

Khi Albrecht Friedrich qua đời năm 1618 mà không có con trai nối nghiệp, Johann Sigismund được trao quyền thừa kế Phổ, cho tới khi đó vẫn chỉ là vùng đất phong thuộc Ba Lan. Kể từ nay, Công quốc Phổ được sáp nhập với lãnh địa Brandenburg. Vùng lãnh địa này được gọi là Brandenburg-Phổ, bao gồm nhiều mảnh lãnh địa nằm rải rác trong Phổ, Brandenburg, cũng như các lãnh địa Cleves và Mark trong vùng Rhineland. Vào năm 1618, vùng đất Đức lâm vào cuộc Chiến tranh Ba mươi năm tàn khốc.[16]

Sự phát triển của Brandenburg-Prussia, 1600-1795

Trong suốt cuộc Chiến tranh ba mươi năm, những lãnh địa rời rạc của nhà Hohenzollern bị nhiều đoàn quân viễn chinh khác nhau giày xéo, đặc biệt là quân của Thụy Điển. Bá tước George William (1619-1640) không có năng lực quân sự, phải chạy trốn khỏi Berlin sang Königsberg, kinh đô truyền thống của Đại công quốc Phổ vào năm 1637. Người kế vị ông ta, Friedrich Wilhelm I (1640-1688), tiến hành cải cách quân đội để bảo vệ lãnh thổ. Năm 1641, Friedrich Wilhelm I sang Warszawa triều kiến vua Ba Lan là Władysław IV Vasa để tỏ lòng trung thành của mình, do lãnh địa Phổ của ông vẫn được coi là đất phong của triều đình Ba Lan cho ông. uy nhiên về sau, lợi dụng tình trạng đối đầu gay go giữa Ba Lan và Thụy Điển trong các cuộc Chiến tranh Bắc Âu, cũng như mối quan hệ thân thiện của ông với nước Nga trong một loạt các cuộc chiến tranh Nga-Ba Lan, Friedrich Wilhelm đã có thể xoay xở để thoát khỏi nghĩa vụ chư hầu với vua Ba Lan. Ông giành được quyền tự chủ cho Phổ trong Hòa ước Wehlau vào năm 1657. Ông xây dựng một lực lượng Quân đội thường trực, với 30.000 quân tinh nhuệ.[17] Đến cả vị anh hùng của Stalin là Nga hoàng Pyotr Đại Đế cũng phải thán phục xứ Phổ của vị Tuyển hầu tước vĩ đại.[18]

Vào năm 1675, ông đánh tan tác quân Thụy Điển trong trận Fehrbellin, qua đó ông trở thành vị "Tuyển hầu tước vĩ đại".[19] Với chiến công hiển hách của ông, dân tộc Đức quay trở lại thời kỳ hùng mạnh.[20] Quân đội Phổ đã giành chiến thắng trong chiến dịch chống Thụy Điển, và chiến thắng tại Fehrbellin trở thành một ký ức cao đẹp của dân tộc Phổ - Brandenburg, về sự phát triển của truyền thống quân sự của họ. Lực lượng Quân sự độc lập đã đặt nền tảng cho Vương triều Hohenzollern đưa nước Phổ lên hàng liệt cường, chứ không phải là những Liên minh đã đưa xứ Phổ đến tình hình tồi tệ như trong cuộc Chiến tranh Ba mươi năm.[17] "Tuyển hầu tước vĩ đại" cũng truyền lệnh cho 20.000 tín đồ Kháng Cách Pháp đến tị nạn trên đất Phổ.[21] Ban đầu ông dựa theo hình mẫu của người Hà Lan mà xây dựng Quân đội, nhưng từ sau 1685, những người Pháp tị nạn đã truyền bá vào xứ Phổ cách rèn luyện quân sự mới nhất của nước Pháp.[17] Tuy ông bị mất một số đất đai mà ông chinh phạt được, ông vẫn luôn được biết bao người châu Âu nể trọng; và, vào năm 1757, khi vị vua kiên quyết Friedrich II Đại Đế tuyệt vọng vì bị nhiều nước vây hãm, Voltaire đã lấy chuyện này ra để khuyên nhà vua hồi phục và đóng vai trò quan trọng trên chính trường châu Âu. Với tư tưởng sắt đá của mình, ông đã nghe theo Voltaire...[22] Vị Tuyển hầu tước vĩ đại cũng gửi một đạo quân đến giúp Hoàng đế Áo là Leopold I đánh đuổi quân Thổ Ottoman ra khỏi kinh thành Viên.[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phổ_(quốc_gia) http://www.amazon.com/History-Modern-Germany-Hajo-... http://www.amazon.com/Medieval-Germany-Encyclopedi... http://www.amazon.com/Rise-Brandenburg-Prussia-Lan... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/218058/F... http://books.google.com/?id=qsBco40rMPcC http://books.google.com/books?id=-1IEAAAAMBAJ&lpg=... http://www.heritage-history.com/www/heritage.php?D... http://www.heritage-history.com/www/heritage.php?D... http://www.heritage-history.com/www/heritage.php?D... http://bpkgate.picturemaxx.com/index.php?language=...